Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Giọng Ca Dĩ Vãng





Trời vừa qua mùa thu được mấy hôm, nơi đây thuộc xứ lạnh nên dung nhan nàng Thu đã thấp thoáng đó đây, những cánh lá vàng đầu tiên khiêm nhượng nhẹ bay bên khối lá còn xanh nổi trên nền trời với các đám mây bàng bạc bao giờ cũng đem đến vẻ thơ mộng cho không gian, và làm cho các tâm hồn nghệ sỹ rung động . Tường kéo cao cổ áo khoác bước nhanh đoạn đường còn lại để đến nơi hẹn với các bạn.

Đẩy cửa bước vào quán, đảo mắt một vòng Tường tìm thấy ngay các bạn mình đang ngồi ở một góc khá biệt lập trong quán cà phê mới mở này. Đã từ mấy năm nay nhóm bạn bè cũ mỗi tháng cùng nhau tụ họp uống cà phê, mỗi lần ở một địa điểm khác nhau. Mới hơn khoảng 10 giờ sáng quán còn vắng khách, mới chỉ ba bàn có người ngồi. Bà chủ quán đã tế nhị vặn nhạc gây không khí ấm cúng cho khách nhàn du thưởng thức các ly cà phê đặc biệt và nổi tiếng của quán mình. Những giòng nhạc êm đềm, những giọng ca truyền cảm quả thật đã tăng thêm hương vị của các ly cà phê rất nhiều, và gợi hứng cho khách hàng làm cho câu chuyện giữa những người bạn cũng nhờ thế ngày càng trở nên đậm đà ...


Ngày xưa mỗi lần em lên tiếng hát
Thì anh âu yếm nắn phím cung đàn
Từng nhịp nhặt khoan em ru hồn theo tiếng ca
......................

Giọng của nàng ca sỹ nào đó vừa vang lên những câu đầu tiên của một bản nhạc tình. Khuôn mặt Tường bỗng trở nên đăm chiêu trầm lặng và xa vắng, dường như theo lời ca tâm hồn anh đã phiêu bồng trôi về dĩ vãng, và biết đâu đoạn dĩ vãng đó chẳng gắn liền với giọng ca của nàng ca sỹ. Sự xúc động của Tường dĩ nhiên không thể nào thoát được các cặp mắt của
bạn bè anh, những người bạn đã cùng nhau gắn bỏ từ mấy thập niên.Trước những lời gạn hỏi, tra vấn của bạn bè Tường như chợt tỉnh cơn mê,với giọng trầm trầm anh kể lại câu chuyện đã xẩy ra khoảng bốn mươi năm về trước.

* * *

Chàng thanh niên bước vào cùng với một cô gái.Thiếu nữ khép nép đứng lấp ló sau lưng chàng trai, e ấp nhìn tôi, trông cô rất trẻ, chỉ khoảng độ mười sáu hay mười bẩy tuổi. Ngày hôm trước anh bước vào lớp học xin được nói chuyện với tôi. Anh rụt rè ngỏ lời mong tôi giúp cho anh một việc trong lãnh vực âm nhạc. Anh nói mình nghèo không có tiền để trả thù lao cho tôi, nhưng anh sẽ truyền cho tôi một vài tuyệt kỹ của nghệ thuật sáo. Dù chưa biết rõ anh muốn nhờ việc gì tôi nhận lời, anh xin được tối hôm sau trở lại. Tôi biết thổi sáo là do quen với một sáo sĩ, người vẫn thổi sáo ở chương trình ngâm thơ Tao đàn do nhà thơ Đinh Hùng chủ xướng, cùng nhà trọ với tôi. Anh dậy tôi thổi sáo, tôi dậy anh đánh đàn . Những khi rảnh rỗi vắng bóng học trò, tôi lôi sáo ra thổi ...

Tôi đang học năm thứ ba đại học. Một người bạn của anh tôi, một phần vì bận công việc, một phần có lẽ vì muốn mở đường cho tôi, người mà ông nghĩ là một tài năng trẻ nên ông giao cho tôi hướng dẫn lớp nhạc Tây ban Cầm và luyện ca của ông ở chợ Phú Nhuận. Tôi mỗi tuần hai buổi sáng đến dậy ở lớp ấy hoàn toàn tự chủ một mình, ông không có mặt.

Tôi mời hai người ngồi và nhìn anh dọ hỏi. Chàng thanh niên tằng hắng rồi nói:


- Thưa anh , tôi tên là Huyền Trúc, cô em gái tôi tên Hồng Phượng. Tôi xin nhờ anh dậy cho em tôi kỹ thuật luyện giọng, Phượng có giọng hát thiên phú, nếu được anh dìu dắt sẽ hay hơn nhiều.


Tôi hơi bất ngờ về đề nghị này nhưng cũng nói Phượng hát thử cho tôi nghe.
Mặt cô gái thoáng ửng hồng, cô chớp mắt rồi đứng dậy theo lời yêu cầu của tôi rồi cất tiếng hát. Giọng hát của cô nghe được vì mạnh và trong trẻo song kỹ thuật chưa chỉnh và hát hơi uốn éo nhiều khi không cần thiết ...


Thanh niên nhìn tôi dò xét phản ứng.Tôi im lặng lắng nghe cô hát hết bài rồi nói thật một phần cảm tưởng của mình. Cô gái tái mặt run rấy còn anh bạn kia mặt buồn hiu hắt. Sau vài lời lả vả họ từ biệt ra về.
. Tôi nghĩ việc thế là xong ngờ đâu hai ngày sau anh bạn kia quay lại một mình. Anh kể câu chuyện họ là hai anh em nhà nghèo, cô em có giọng hát hay, người trong xóm ai cũng khen. Họ không có tiền trả tiền học phí cho tôi nhưng anh vẫn đánh bạo xin tôi giúp đỡ họ. Tôi nghe anh nói mà ái ngại, nhận lời dậy cô hát không lấy thù lao.

* * *

Bắt đầu chương trình cô gái đem đến một bản nhạc nhờ tôi dậy hát, bản "Giọng ca dĩ vãng". Lời của bản nhạc này rất lâm ly thống thiết, loại nhạc sẽ rất ăn khách với một số lớn khán thính giả bình dân. Tôi rất ngạc nhiên vì đấy không phải là cách trường nhạc và tôi đào tạo ca sỹ! Nhưng giữ lời hứa tôi sửa lại phương pháp của mình theo trình độ và ước nguyện của học trò: tôi sửa lại các chỗ cần sửa, dậy thêm các điều cô cần biết, cắt bỏ các chi tiết cô hát kiểu rất cải lương mà lầm tưởng đó là nghệ thuật. Phượng tập hát theo lời hướng dẫn của tôi. Có lẽ cô có cố gắng nhưng cả tháng sau vẫn chưa bỏ được hoàn toàn lối hát cũ của mình. Những buổi học cô hay nhìn tôi chăm chú, ánh mắt như ẩn hiện nét mơ mộng. Cô cũng điệu hơn, trên má thoa phấn hồng và đôi môi tô nhẹ mầu son tươi. Với thời gian cô đã dạn dĩ hơn và đôi khi hay nũng nịu làm duyên với tôi. Tôi lúc ấy chưa có người yêu, đầu óc còn bận bịu với việc học và vấn đề cơm áo nên không chú ý đến cô lắm, nhưng lòng tôi cũng vui khi hiểu được sự ngưỡng mộ của cô dành cho tôi, khi nghe cô gọi tôi bằng anh một cách trìu mến. Trước đó cô gọi tôi bằng thầy nhưng tôi đã đề nghị cô cứ xem tôi như một người anh lớn, bởi vì tôi cảm thấy mình chưa đủ chững chạc để được gọi bằng thầy. Cô vẫn hay mang đến vài gói quà nhỏ cho tôi, khi là vài qủa ổi xá lỵ, khi là gói ô mai cam thảo..., tôi đã từ chối khéo một lần nhưng thấy cô phật ý và hơi dỗi, mặt buồn hẳn đi, thì tôi để yên cho cô làm điều cô muốn.


Người anh thỉnh thoảng ghé lại thăm hỏi tình hình học hành của cô em mình, một đôi lần anh đem bí thuật thổi sáo của anh bật mí cho tôi. Tôi cảm thấy anh là một người thành thật và thành tâm với tương lai của em mình ... Sau anh đến mỗi ngày mỗi thưa hơn và không có vẻ tự nhiên như trước. Một lần anh nói năng ngập ngừng và có ý xin cho cô em thôi học. Tôi hơi ngạc nhiên và cũng tán đồng vì tôi dậy cô hát thật sự chỉ để giúp cho đôi anh em nghèo thiếu điều kiện mà thôi.Tôi dậy thêm cho Phượng một vài buổi học và sau đó thầy trò đến lúc chia tay. Phượng có vẻ buồn nhưng không nói gì thêm về điều này. Có lẽ cô rất kính trọng và phục tùng mọi quyết định của anh mình.
Vài tuần sau cô học trò trở lại gặp tôi và mời tôi đến nhà chơi để cha mẹ cô được tạ ơn.


Chiều hôm tôi đến nhà Phượng thì rất đỗi ngạc nhiên vì đó là một căn nhà khang trang với mảnh vườn trước có trồng nhiều cây cảnh và một dàn hoa giấy mầu tím, bởi vì tôi vẫn nghĩ là cô nghèo. Cha mẹ Phượng ra chào tôi và mời tôi vào phòng khách, nơi mà trên bộ bàn đã bầy sẵn một mâm cơm rất thịnh soạn. Sau đó thì Phượng và một cậu em cũng đi ra và chúng tôi bắt đầu dùng cơm. Tôi lấy làm lạ vì không thấy người anh. Cha Phượng cám ơn tôi và trong câu chuyện đã tỏ ý muốn nhờ tôi tiếp tục dìu dắt và đưa cô ta vào sự nghiệp cầm ca nhà nghề. Trong lúc bối rối tôi chỉ ậm ừ chẳng có câu trả lời dứt khoát.


Lúc tôi ra về, Phượng tiễn tôi ra cửa, tôi tỏ ý muốn gặp người anh. Cô cho tôi địa chỉ và chỉ vài phút sau tôi đã đứng trước cửa nhà anh ta. Nơi anh ta ở tuy là cùng xóm nhưng nghèo nàn thua xa gia đình Phượng.Tôi gõ cửa nhưng không có ai ở nhà , tôi viết mảnh giấy đẩy vào khe cửa hẹn tối hôm sau sẽ đến thăm anh.

Tối ngày sau, tôi trở lại nhà Huyền Trúc. Bóng tối chập choạng trong căn hẻm nhỏ, các nhà trong xóm đã đóng cửa, chỉ có ánh đèn hắt ra từ cửa sổ, những giọt mưa tí tách trên mái tôn làm khung cảnh thêm thanh vắng. Tôi vừa định gõ cửa nhà Trúc thì ngừng lại vì nghe tiếng sáo đang trầm bổng vọng ra. Qua khung cửa sổ nhỏ tôi thấy anh đang ngồi trên ghế, cây sáo đang để ngang môi. Tiếng sáo khi thì như tiếng nức nở nghẹn ngào, khi thì xa vời huyền hoặc như vọng từ cõi mơ hồ. Dường như anh đang trang trải những nỗi u uẩn trong tâm hồn vào tiếng sáo. Anh lớn hơn tôi vài tuổi nhưng thấp bé hơn, khuôn mặt xương xương khá đẹp trai lúc này đang lộ những nét buồn man mác. Tôi cảm thấy lòng chùng xuống và như hiểu được một điều bí ẩn. Tiếng sáo vừa dứt, tôi gõ cửa, anh mở cửa cho tôi rồi mời ngồi, câu chào hỏi hơi gượng gạo.Tôi khen anh thổi sáo rất hay, hỏi qua loa một số điều về kỹ thuật rồi đem câu chuyện là anh em với Phượng ra hỏi. Anh có vẻ hơi suy nghĩ nhưng cuối cùng thành thật kể mọi tình tiết.


Anh đã đem lòng thương trộm và ngưỡng mộ cô gái lối xóm từ lâu mà Phượng không hề biết. Gia đình cô rất hãnh diện và muốn cô trở thành ca sỹ thật sự. Họ đến nhờ anh, điều này vượt ngoài tầm hiểu biết và khả năng của anh nên anh đã tìm đến tôi.Tất cả đã xẩy ra như ý họ cho đến khi anh nhận thấy tất cả sự ngưỡng mộ, và có thể cả tình cảm của Phượng đã dần dần chuyển hướng sang một nhân vật khác có nhiều khả năng mở cho cô một tương lai mong đợi hơn ở anh. Anh buồn nhìn thiên đường dần trôi xa, cũng vì thế mà anh ít lui tới lớp học, trở nên xa cách hơn với tôi. Vô tình mà tôi là xúc tác của sự tan vỡ của một mối tình, phải chăng chỉ một chiều?


Không biết anh ta đã nói gì về tôi với gia đình Phượng? Không biết Phượng đã nghĩ gì về tôi ? Không biết anh ta đã nghĩ gì về tôi khi anh rụt rè ngỏ ý muốn cho cô thôi học? Có thể anh đã nghi tôi muốn cô học trò ấy cho mình hay tôi đã được nhiều ngưỡng phục nơi cô học trò để cô sẵn sàng theo tôi ... Tất cả các điều này tôi hoàn toàn không hề nghĩ tới, tôi chỉ giúp cô ta như tất cả các học trò khác ! Nếu có ai hỏi tôi cô xấu hay đẹp tôi sẽ không có câu trả lời vì điều này tôi chưa từng có ý niệm trong đầu. Nếu có ai hỏi tôi cô ta hát có hay không câu trả lời sẽ là : “ hát được và có thể hay hơn nữa nhưng lối hát cải lương không phải là điều tôi thích “. Tóm lại tất cả tình huống này tôi muốn thoát ra vì tình cảm riêng tư đối với Phượng tôi chưa hề có. Lợi dụng cô ta sẽ thật dễ dàng nhưng đó không phải là con người của tôi. Tôi im lặng lắng nghe anh kể chuyện, thông cảm, chia xẻ nỗi buồn của anh nhìn thần tượng và thiên đường của mình dần trôi xa mà với sức lực và hoàn cảnh của mình anh không thể làm gì để thay đổi được. Sau đó tôi nói để anh hiểu rằng tôi với cô gái không có điều gì có thể ảnh hưởng đến tâm tình của hai người. Tôi chỉ xem cô như những học trò khác của tôi thôi. Chúng tôi chuyện vãn rất lâu và khi tôi ra về thì trời đã khá khuya, mưa đã tạnh. Có lẽ anh không còn phiền trách tôi nhưng đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh.


Tôi cũng không muốn tiếp tay với gia đình họ đưa một thiếu nữ còn ngây thơ hồn nhiên vào con đường ca hát đầy cạm bẫy và nhiều kẻ vô lương tâm. Quyết định duyên thầy trò sẽ chấm dứt với bản " Giọng ca dĩ vãng ", tôi đã đến nói chuyện với gia đình cô, khuyên họ nếu cho cô đi vào con đường ca hát thì nên đến lớp học Nguyễn Đức, ông này sẽ đào tạo và giúp cô ta như nhiều người khác trên đường sự nghiệp.


Ít lâu sau một buổi sáng, khi bước vào lớp nhạc, bà chủ nhà nói với tôi:
- " Cô học trò của cậu nhờ tôi đưa cái này cho cậu ". 


Tôi mở lớp giấy bọc, đó là bản nhạc “ Giọng ca dĩ vãng “, ở trang trong có viết hai câu của bản nhạc:



Ngày xưa mỗi lần em lên tiếng hát
Thì anh âu yếm nắn phím cung đàn
Và:

Giờ đây mỗi lần em lên tiếng hát
Thì ai thay thế nắn phím cung đàn…

* * *

Kể xong câu chuyện Tường như tỉnh cơn mê, anh nói :
- Những người đã đi qua cuộc đời dù chỉ là một lữ khách vô tinh cũng để lại một vài dấu vết mà bình thường mình không nhìn thấy, không cảm thấy. Ấy vậy mà khi tình cờ đụng vào một dấu ấn nào đó thì dĩ vãng mới cho thấy sức mạnh âm ỷ của nó, và đôi khi con ngưởi lúc ấy mới có cơ hội hiểu thật sự tâm tình của mình.
Tường cất giọng hát nho nhỏ như chỉ để cho mình nghe:


Giờ đây mỗi lần em lên tiếng hát
Thì ai thay thế nắn phím cung đàn.

Thanh Ngọc
( Nhuận sắc từ truyện của một người bạn )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.