Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Dòng Suối Mới, Bến Sông Xưa







Chiều đang xuống, khung cảnh bến sông vẫn còn nhộn nhịp, nắng chưa tắt hẳn nhưng đã dịu dần. Từ ngôi nhà xinh xắn nhìn ra giòng sông, Linh bỗng nghe chán nản mệt mỏi với những âm thanh chung quanh, những âm thanh mà chàng đã phải nghe từ hơn 30 năm nay từ ngày rời xa thôn bản nơi vùng núi đồi xanh thẳm. Ba mươi năm, gần một phần ba thế kỷ, từ một thanh niên xông xáo của sơn lâm, với đôi chân vững, cánh tay săn, cặp mắt sáng giờ chỉ còn lại một ông thầy thuốc phụng phệ thịt da, tóc đang ngả màu sương khói nơi phố thị phù hoa.

………..Sinh ra đời và lớn lên giữa chốn hoang sơ chập chùng đồi núi, Tà Linh cứ ngỡ rồi mình sẽ nối nghiệp cha vui nơi nương rẩy, đánh bẩy thú hoang kiếm sống qua ngày, thỉnh thoảng theo cha đem lá thuốc rừng xuống kinh đổi lấy gạo, muối, vải vóc và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện rời xa sóc bản. Xa làm sao được khi chàng trai miền núi 18 tuổi đã để trái tim vấn vương cô bạn láng giềng nơi cuối sóc, Nuông Strây, cô sơn nữ 17 cái xuân nổi tiếng đẹp mặn mà lại đảm đang hiền thục, là ước mơ của bao trai sóc trong vùng. Những đêm hội mùa, dân các sóc tụ lại nổi lửa nhảy múa cúng lễ tế thần, các cô thôn nữ trong xiêm y sặc sỡ muôn màu nhịp nhàng uyển chuyển theo nhịp trống, tiếng phèn trong lúc đám thanh niên trong sóc phô bày tài nghệ qua những cuộc thi dũng mãnh cước, quyền. Thường thường Tà Linh và Nuông Strây luôn nổi bật giữa đám đông. Trai tài, gái sắc không ai bảo ai nhưng họ đã nghe như ước hẹn trăm năm tự lâu rồi. Người miền núi không màu mè trong cung cách đối xử với nhau, ghét, thương cứ để lộ ra ngoài. Chỉ đôi ba lần chàng giả vờ đến nhà nàng mượn chiếc cối đá rồi đáp tạ bằng những bó củi, rổ khoai hoặc chú thỏ rừng, con hươu nhỏ vừa săn được là đủ có dịp để đôi bên thổ lộ nỗi niềm. Gia đình hai bên cũng vui vẻ chấp nhận cuộc tình đôi lứa, chúng đẹp đôi quá mà, chẳng có gì ngăn trở tình yêu trong sáng đó. Và mọi người bàn tán chuyện hôn nhân cho đôi trẻ.

Sóc bản đang trong thời kỳ canh tân cải tổ. Cần rất nhiều đóng góp của đám thanh niên trẻ. Cha Tà Linh muốn con mình làm một cái gì hơn đám thanh niên đó. Cuộc đời ông đã trải qua bao gian truân lận đận trước khi tạo lập mái gia đình nầy, ông muốn con đường con ông bước phải suông sẻ, sáng lạn hơn. Hơn nữa, Tà Linh lại khá thông minh, tháo vát, tương lai nó không thể chỉ thu gọn trong hóc núi, cụm rừng. Bao đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định cho con xuống kinh học tập trước khi cưới vợ, học gì cũng được, miễn có một nghề khác hẳn nơi đây và nghề đó giúp ích cho thôn bản nầy. Ông nhớ đến những lần dẫn Tà Linh xuống thị trấn đem lá thuốc rừng bán cho phòng mạch đông y của lão thầy thuốc người Tàu ở đầu phố chợ, lão thường nhìn chàng thanh niên và tấm tắc khen ông có thằng con thông minh, đĩnh ngộ. Vậy tại sao không cho nó theo nghề thuốc của lão để mai sau nầy nó chữa trị bịnh tình cho dân trong bản sóc ? Ông sẽ có thằng con làm y sĩ, mọi người sẽ chạy tìm nó khi cần mà người bịnh thì bao giờ cũng có và như vậy nó sẽ được trọng vọng hơn đám trai bản vai u thịt bắp, còn ông, ông cũng sẽ hãnh diện lây vì đã sanh cho bản sóc một lương y cứu nhân độ thế. Việc cưới Nuông Strây cho Tà Linh không cần phải vội vã, chúng còn quá trẻ, đợi đến lúc Tà Linh thành đạt rồi kết hợp cho chúng cũng chẳng muộn.

Nghĩ là làm, lần xuôi kinh sau đó cha Tà Linh ghé phòng mạch Phước Xuân Đường lâu hơn thường lệ và tỏ ý cùng chủ nhân muốn cho chàng đến ở phụ giúp việc và học nghề đông y. Vốn thương cậu nhỏ từ lâu, lại không có con trai nên lảo thầy thuốc Tàu nhận lời không cần suy nghĩ và một tháng sau đó Tà Linh khăn gói giả từ bản sóc để lên đường về thị trấn. Trước ngày chàng ra đi, Nuông Strây đã khóc như bao cô gái có người yêu đi xa chẳng hẹn ngày về nhất định, một năm, hai năm, ba năm hoặc hơn thế nữa, làm sao biết được bao giờ chàng thành đạt như ý nguyện của cha chàng. Họ chia tay nhau bên giòng suối, nơi cả hai vẫn thường hò hẹn dưới những đêm trăng. Mấy nhánh lan rừng Nuông Strây hái tặng người yêu như gởi hương thơm tình người sơn nữ. Tà Linh tặng lại người yêu chiếc vòng tay làm bằng sừng của một chú sơn dương với lời hứa chăm học hành để sớm trở về.

Phước Xuân đường đón chàng trai núi bằng đôi tay rộng mở của vợ chồng chủ nhân, ông bà Wòng Tài, và nụ cười thân thiện của Á Lìn, cô con gái. Không đẹp lắm, con gái duy nhất của một gia đình khá giả tại nơi phố thị, Á Lìn là một thiếu nữ khá bặt thiệp duyên dáng ở lứa tuổi đôi chín. Có học, thông minh, tháo vát, cô được nhiều chàng công tử, nhiều anh trọc phú của thị trấn ngấp nghé nhưng trái tim thiếu nữ cơ hồ không mảy may rung động. Mẫu người lý tưởng của cô phải như thế nào ? Cô cũng chưa hình dung ra dược. Nhưng cô vẫn thích mẫu người thanh nhã, có cá tính mạnh và vui tươi. Tà Linh, chàng trai miền núi khỏe mạnh, sáng sủa nhưng hơi quê mùa, ngờ nghệt không tạo cho cô một ấn tượng gì đặc biệt trong lần gặp gỡ đầu tiên. Cô có cảm tình vì thấy anh hiền lành, dễ mến và sự rụt rè của anh khi sống trong một gia đình lạ đã khiến cô cảm thấy tội nghiệp và muốn tìm cách giúp đỡ anh. Gia đình cô giống như bao nhiêu gia đình Trung Hoa nói chung, vẫn rất khắt khe trong lối giáo dục con cái. Tuy cùng ở chung trong một mái nhà Á Lìn chỉ gặp mặt Tà Linh trong hai bữa ăn. Ngoài giờ đi học cô chỉ ở trong phòng riêng để học hành và mơ mộng. Cô được phép giao du với mấy cô bạn gái trong sự kiểm soát cẩn mật của người mẹ khó tính, một người đã khép mình trong gông cùm suốt một thời thiếu nữ và hiện tại thi ̀sống ẩn nhẫn bên chồng, bên con. Bà không yêu chồng, chỉ xuất giá theo sự sắp xếp của cha mẹ, không hiểu thế nào là tình yêu nên vẫn thường cau mày vì cái lối yêu đương tự tung tự tác của giới trẻ thời nay. Tuy nhiên bà rất thương con gái và chỉ mong sao con mình lấy được một tấm chồng đàng hoàng, khá giả để được an nhàn tấm thân. 

Riêng phần Tà Linh, những ngày đầu nơi phố thị là những ngày cực hình đối với chàng, sự khốn khổ không phải vì nhọc nhằn trong công việc vì thực sự công việc ở đây tương đối nhẹ nhàng hơn lúc chàng còn ở núi rừng ; nhưng lạ nơi, lạ chốn, lạ người, lạ cả cách sống khác biệt giữa hai miền Kinh – Thượng đã làm chàng như con cá sống trong nước suối trong nay phải xuôi giòng theo sông ra biển, thêm vào đó nỗi nhớ về chốn cũ, người xưa làm chàng quay quắt. Hình ảnh mẹ cha và đàn em nhỏ lẩn quẩn trong trí chàng, bóng dáng Nuông Strây thấp thoáng đó đây khi khuya khi sớm. Tất cả làm chàng trở nên ngờ nghệch đúng y như chú Mán lạc rừng. Ông bà Wòng Tài thông cảm nên không phiền trách khi chàng cân sai lạng thuốc, lấy nhầm lọ bột hoàng tán thay cho hủ thạch hồi. Á Lìn cười khúc khích khi thầy anh chàng rừng rú bỏ khố khoác áo thị dân. Cô vui bên bàn ăn nghe Tà Linh thuật đời sơn cước. Cô và ông bà Wóng Tài hết lòng hướng dẫn chàng trai cách ăn, nếp ở của chốn thị thành. Không khí gia đình sống động hơn vì anh Mán rừng vốn thông minh lại hiền lành, dễ bảo. Tà Linh học việc ban ngày, ban đêm hý hoáy viết thư về bản sóc cho gia đình và Nuông Strây. Cha chàng cũng năng xuống núi thăm con và mang những thức ăn, trái cây rừng cho ông bà chủ tiệm hảo tâm, mang cả thư tình của cô gái Thượng đang chờ trong ngày chàng thành danh tốt nghiệp.
Thời gian lặng lẽ trôi, hai năm đã qua nhanh như bóng nước. 

Những dịp Tết miền Thượng chàng cũng đã trở về thăm lại sóc làng, nhưng rồi cũng vội vả ra đi, Những lần vắng chàng như vậy Á Lìn thấy không gian như đọng lại, cô ra vào trông ngóng mà không biết bà Wòng Tài đang kín đáo theo dõi từng cử chỉ của cô. Cô đã quen với sự hiện diện của chàng và đã quyến luyến chàng lúc nào không hay. Lần sau cùng Tà Linh đi về như vậy, đường rừng mưa dầm ướt đẫm, chàng quen đời tránh nắng trốn mưa miền đồng bằng sang cả nên thấm lạnh và ngã bịnh sau đó khi trở lại Phú Xuân Đường. Cơn sốt dâng cao, chàng bỏ ăn nằm miết trên giườne Ông Wòng Tài tận tâm bổ thuốc, bà chủ nhà cũng hết dạ chăm lo, nhưng có lẽ không ai bấn rối bằng tiểu thư Á Lìn. Cô túc trực bên chàng trai trẻ thường xuyên bất chấp những tia nhìn nghiêm khắc của mẹ, những lời nhắc nhở "nam nữ thọ thọ bất thân" của cha, cơm canh tự tay đưa đến cho chàng. Dù đang sốt li bì Tà Linh vẫn biết về sự chăm sóc ân cần của Á Lìn. Khuôn mặt hiền dịu với nét nhìn đầy lo lắng của cô có một cái gì giông giống vẻ mặt của mẹ của chàng, người mẹ mà cho đến bây giờ mỗi khi chàng trở lại nhà vẫn chăm chút chàng từng ly từng tí. Một thứ tình trìu mến chợt dâng lên trong lòng chàng, Tà Linh nắm lấy bàn tay mềm mại của Á Lìn và lờ đờ nhìn cô, đôi môi khô khấc và nứt nẻ mấp máy thốt lên lời cám ơn. Khi bàn tay nóng bỏng của chàng trai chạm vào tay cô, Á Lìn cảm thấy bàng hoàng như bị điện giật, cô vội vã rút tay ra và bỏ đi, mặt đỏ bừng. Về đến phòng riêng của mình tim cô vẫn còn đập mạnh và ngây ngất với cảm giác lạ lẫm … 

Cơn bệnh rồi cũng qua. Nhưng tâm hồn Tà Linh không còn như trước. Chàng bắt đầu chú ý đến Á Lìn và trong mắt chàng cô bỗng đẹp lên nhiều. Thật ra dạo này cô đã chăm chút hơn về cách ăn mặc và mái tóc ngắn của cô đã được để dài, buông lơi xuống đôi vai tròn, mượt mà và đen nhánh khiến dáng dấp của cô dịu dàng hơn ̣. Trông cô vui tươi hẳn lên, má luôn ửng hồng và đôi mắt sáng long lanh. Cô vốn có tài ăn nói rất duyên dáng dễ thương và những lời nói đầy ý nhị của cô đối đáp với chàng làm Tà Linh cảm thấy vui vẻ. Mỗi đêm Tà Linh cặm cụi đọc sách, những quyển sách rất hay mà Á Lìn mượn ở thư viện cho chàng để mở mang kiến thức ̉. Nuông Strây xinh đẹp nhưng cô quá e ấp và ít nói, cô chỉ hay cười bẽn lẽn khi gặp chàne và những lời thư mộc mạc của cô không thấm sâu vào tâm hồn chàng bằng những câu chuyện trao đổi vội vàng giữa chàng và Á Lìn. Theo thời gian chàng đã học hỏi được rất nhiều về nghề nghiệp và đã hòa nhập vào nếp sống văn minh của chốn thị thành. 

Bữa cơm chiều hôm nay đã được bà Wòng nấu nướng rất ngon, gồm có món cá lóc hấp với bún tàu và củ kiệu, canh chua tôm và thịt gà rang gừng. Cả nhà ai cũng ồ lên khen ngợi làm bà Wòng rất hài lòng. Ông Wòng cao hứng đem chai rượu qúi ra nhấm nháp và ép Tà Linh uống với ông vài ly. Chàne nể lời nghe theo nhưng vốn không quen uống rượu chỉ mới ly thứ hai mặt chàng đã đỏ như gấc. Rượu vào lời ra, ông kể nhiều chuyện về thời trai trẻ và giai đoạn ông “ rắp ranh bắn sẻ “ bà Wòng làm bầu không khí trong nhà thật vui tươi. Bỗng ông hỏi Tài Linh :

- Ta nghe nói con có người yêu xinh đẹp lắm, bao giờ thì con làm đám cưới ? 

Bà Wòng liếc nhìn con gái. Vẻ mặt đang tươi cười của A' Lìn bỗng tái nhợt đi. Tà Linh lúng túng trả lời : 

- Dạ, con còn nhỏ mà thầy, bây giờ con phải lo học hành trước.

- Con nghĩ như vậy cũng phải. Nhưng con cũng không nên để cô ấy chờ đợi lâu qúa. Cưới vợ phải cưới liền tay …, thường thì xa mặt hay cách lòng lắm. 

Chàne chỉ cười thay cho câu trả lời. Bà Wòng cũng nói thêm những lời khuyến khích Tà Linh sớm lấy vợ. Á Lìn cúi mặt xuống bát cơm, không góp một tiếng … 

Đến cuối tuần thì cha của Tà Linh lên thăm chàng. Tà Linh được ông Wòng cho mượn xe gắn máy để đưa cha chàng đi thăm phố phường. Bên cạnh cậu con trai đã ra dáng lịch lãm hơn xưa nhiều, ông Tà Quan ngắm nhìn thật mãn nhãn những cảnh hào nhoáng của thành phố và thầm so sánh với cảnh đời phẳng lặng, nghèo nàn của quê ông. Sau khi hỏi thăm tin tức của gia đình và nhận thư của Nuông Strây, Tà Linh huyên thuyên kể chuyện về cuộc sống của chàng, chuyện chàng đau ốm và được gia đình ông Wòng săn sóc ra sao. Đôi mắt chàng ngời sáng và ánh lên nét vui khi kể những câu chuyện về con gái của ông thầy thuốc. Ông Tà Quan nhìn con hơi nghĩ ngợi. Hình như ông vừa khám phá ra một điều gì đó.
* * *

- Thưa cô, tôi muốn hỏi thăm tiệm thuốc Phước Xuân Đường ở đâu ? 

Đang đi bộ từ trường về nhà bỗng một chàng trai chặn ngang đường và hỏi Á Lìn. Cô ngẩng lên và hơi giật mình. Chàng trai đang mỉm cười với cô, trông chàng thật thanh nhã trong bộ âu phục mầu kem, nước da trắng trẻo đầy vẻ thư sinh, một anh chàng người Hoa tuấn tú dễ nhìn, có vẻ quen quen. Ngần ngừ giây phút, cô đưa tay chỉ về cuối phố : 

- Đi hết đoạn đường nầy, ông rẽ sang tay trái, cách khoảng trăm trước có đường ra bến sông, Phú Xuân đường nằm ở đầu ngả ấy.
Thấy chàng thanh niên chần chừ để nhớ lời chỉ dẫn, cô mĩm cười, thân thiện :

- Tôi cũng đi về phía đó, hay là ông cứ theo tôi cũng được. 

- Cám ơn cô.

Và họ song bước bên nhau như đôi tình nhân trẻ, người khách lạ bắt chuyện :

- Nghe nói ông Wòng Tài chẩn mạch, cho thuốc mát tay lắm hả cô? 

- Dạ, người ta đồn như vậy, thưa ông. Ông định đến xem mạch hốt thuốc hả?

- Không, tôi là con một người bạn thân của ông, đến theo lời mời của gia đình ông thôi. 

Suýt nữa Á Lìn đã buột miệng định kêu một điều gì đó, nhưng cô chợt kềm giữ được. Trong phút chốc cô chợt nhớ đến vẻ bí mật khác lạ của mẹ cha mấy hôm nay. À ra thế, có lẽ hai người đã nhìn thấy trong mắt cô ánh lửa của tình yêu đang bùng cháy, và những cử chỉ của cô với Tà Linh ngày càng thêm thân mật nên đang tìm cách kéo cô ra khỏi cơn mê tình ái đây. Người khách lạ nầy Á Lìn đã nhớ ra rồi, đó là người bạn cũ thời còn để chỏm, con của bác Lý Hùng đây mà, chắc chắn là anh chàng chứ không còn ai khác hơn được. Họ đã cùng vui đùa bên nhau, khi cắp sách đến trường, lúc trèo cây hái trái, đánh đáo, nhảy chuyền. Nhớ đến đây Á Lìn kín đáo liếc nhìn chàng trai trẻ, đúng là Lý Hoàng chứ chẳng còn ai vào đây, vết sẹo nhỏ trên sóng mủi chàng là dấu ấn rõ ràng nhất chứng minh điều đó. Cô làm sao quên được buổi trưa hè năm cũ lúc hai nhà còn ở gần nhau, cây trứng cá giữa sân nhà cô và tổ chim se sẻ trên ngọn cao mong manh đó. Năm ấy cô lên sáu, mới bắt đầu vào tiểu học; Lý Hoàng đã lên tám và cao hơn cô gần một cái đầu. Ngày nào cũng thế, đi học về là hai đứa trẻ rủ nhau ra sân chơi đánh đáo, Á Lìn thích những trò chơi của con trai có lẽ vì cô là con gái duy nhất trong nhà, bạn bè gần gủi thân thiết nhất chỉ có Lý Hoàng mà thôi. Nhưng ngược lại cậu bé cũng phải nhọc nhằn nhiều việc với cô bạn bé nhỏ của mình. Ngày nào cậu cũng phải trèo cây để hái những trái trứng cá hườm mộng cho Á Lín, hái đầy túi rồi leo xuống cùng ăn và cười nói bên nhau. Hôm ấy, cả hai phát hiện một tổ chim se sẻ trên gần chót ngọn cây. Tính trẻ con nổi dậy, cô bé kéo áo cậu bạn, nhỏng nhẽo nói : 

- Anh Hoàng lên lấy tổ chim xuống cho Lìn đi, xem mẹ chúng mang những gì cho chúng vậy, nhanh đi anh kẻo chim mẹ về bây giờ. 

- Lìn không tội nghiệp chim con phải xa mẹ sao? Rồi ai cho chúng ăn. 

- Thì tụi mình sẽ làm ba má mấy con chim con đó để cho chúng ăn chứ ai. 

Hoàng ngần ngừ, phần vì chót đỉnh cây khá cao, cành yếu, phần sợ Á Lìn phật ý khóc nhè nếu cậu không làm vừa ý cô. Á Lìn thúc giục : 

- Anh sợ té hả, để Lìn leo nghen, Lìn không sợ đâu. 

Bị thách đố, cậu bé nổi máu anh hùng, cậu bám cây trèo thoăn thoắt lên gần ngọn cây, nhưng làm sao với được ra xa để lấy tổ chim đây, cành yếu quá. Bên dưới Á Lìn thúc hối : 

- Còn chút nữa tới rồi anh, nhanh lên kẻo chim mẹ về.

Hoàng tiến ra chút nữa, chút nữa, run rẩy cả tay chân mà tổ chim vẫn chưa lấy được, leo xuống con bé sẽ cười mình nhát gan, thôi thì rán thêm chút nữa vậy, và …rắc, cành cây oằn xuống rồi gảy ngang, quăng cậu bé nằm sóng soài trên mặt đất. Á Lìn hoảng hốt xanh mặt, cô càng sợ hãi hơn khi thấy mặt mày bạn mình, một đường cắt ngang sóng mủi bởi cành cây cắt sướt khi Lý Hoàng rơi từ trên cao xuống làm mặt cậu bé bê bết máu. Buổi trưa hôm đó sau khi ông Woòng Tài đắp thuốc cao cho Hoàng xong, Á Lìn bị phạt quỳ gối ở góc nhà cho đến buổi cơm chiều. Lìn khóc thút thít, không phải vì hình phạt mà vì tội nghiệp Lý Hoàng, một đường băng ngang sóng mũi làm mặt cậu bé trở nên buồn cười và không ai ngờ rằng vết tích đó theo chàng suốt cả cuộc đời như kỹ niệm buổi trưa hè đọng mãi không phai. Bù lại, tổ chim non trên cành đã theo nhánh gảy rơi xuống đất, Hoàng nhặt tổ chim cất trong nhà chờ Lìn hết phạt và đem cho cô bé. Và như lời thỏ thẻ của Lìn trước khi vòi vĩnh bạn lấy tổ chim, cả hai đã thay chim mẹ bón thức ăn cho lủ chim con trong tổ đến ngày chúng có khả năng tung cánh bay trên nền trời cao rộng. 

Nhớ đến đó A Lìn chợt mĩm cười, người khách lạ tinh ý nhìn thấy, ngạc nhiên hỏi:

- Xin lổi,tôi hơi tò mò, cô chắc đang có điều gì vui?

- Dạ phải, tôi sắp gặp lại một người bạn cũ của tôi.

- Vậy sao? Tôi cũng thế, tôi sẽ gặp lại những người láng giềng xưa của gia đình tôi và nhất là cô bạn thời thơ ấu. 

Á Lìn cười chúm chím, không nói gì nữa cả, nàng muốn thấy gương mặt ngạc nhiên của chàng trai trẻ khi biết rằng cô bạn đó chàng đã gặp mà không nhận ra. 

Họ về đến trước cửa Phuớc Xuân Đường, ông Wòng Tài đang lúi húi bên quầy thuốc với Tà Lình, thấy hai người bước vào họ ngẩng đầu lên. Á Lìn láu táu với cha quên cả chào Tà Linh như thường lệ :
- Thưa cha, ông khách nầy muốn gặp cha. 

Rồi ngước nhìn vị khách đó, nàng tinh nghịch : 

- Đây là cha tôi, thầy thuốc Wòng Tài mà ông muốn tìm gặp, thưa ông Lý Hoàng. Có phải anh là Lý Hoàng con của bác Lý Hùng không? 

Giữa đôi mắt mừng rỡ của ông Wòng Tài, vị khách trẻ gật đầu, ngạc nhiên : 

- Thưa bác, cháu quả đúng là Lý Hoàng đây. Á Lìn, sao em tinh nghịch thế? Sao không chịu nói ngay lúc ban đầu, nhưng sao em nhận ra anh nhanh vậy?

Á Lìn chỉ tay vào chiếc sẹo trên sóng mủi Hoáng, cười : 

- Anh dấu vết sẹo nầy đi thì người ta mới không nhận ra anh thôi. 

Buổi trưa hôm đó, gia đình nhà Wòng Tài vui hẳn lên với sự có mặt của Lý Hoàng, chỉ có một người trầm tư không nói, người đó là Tà Linh. Chàng thấy mình thừa thãi hơn bao giờ hết trong ngôi nhà nầy, và chàng chợt nghe hối hận đã xao lảng việc thư từ cho Nuông Strây trong mấy ngày qua. Nhìn Á Lìn quấn quít cười nói bên Lý Hoàng chàng thấy họ đẹp đôi làm sao, trai thanh, gái sắc, họ lại đồng chủng tộc, chung ngôn ngữ với nhau, còn chàng, tính cho cùng chẳng qua một kẻ học việc, một tên đầy tớ. Nhắm mắt lại, chàng cố quên đi cảm giác êm dịu của bàn tay Á Lìn hôm nào để nhớ dáng nhỏ thon mềm của Nuông Strây và tự trách cái tâm nắng sớm mưa chiều của mình. Bây giờ đang trong độ hè về, mùa tựu trường sắp đến, anh chàng Lý Hoàng nầy tự dưng được mời đến làm khách hai tháng dài ắt không hẳn là điều vô căn. Tà Linh bỗng muồn trở về thôn bản xưa, không biết để chạy trốn nụ mầm tình ái với Á Lìn hay để tìm lại hương yêu cũ của Nuông Strây, nhưng về rồi ăn nói làm sao với mẹ cha, làng xóm khi nghề chưa đạt, mộng chưa thành. 

Thật tình, cả Tà Linh lẫn Á Lìn không ai hay rằng giữa hai gia đình Lý – Tài đã có lời đính ước tơ duyên trong một lần trà dư tửu hậu giữa hai người cha cho đôi trẻ. Sau ngày đổi chế độ họ Lý dọn nhà đi tỉnh khác làm ăn. Những khó khăn và giai đoạn nhiễu nhương lúc đó làm họ không có tâm trí nào để thư từ cho nhau. Ai cũng nghĩ bạn mình chắc đã di tản đi ngoại quốc. Lâu dần họ cũng quên nhau, địa chỉ liên lạc mãi nằm yên trong một quyển sách nào đó. Cách đây một tháng, trong một lần đi chữa bệnh cho một thân chủ bị đau liệt giường ở thị trấn bên cạnh, ông tình cờ gặp lại ông Lý Hùng khi ông đang ngồi chờ xe đò đón đủ khách sẽ đưa ông trở về nhà. Tả sao hết nỗi vui mừng của hai người bạn cũ. Họ hàn huyên tâm sự chỉ trong vòng một tiếng nhưng cũng để biết về gia cảnh hiện tại của nhau. Họ cùng nhắc lại lời hứa năm nào và ông Lý Hùng đã tính là sẽ cho con trai xuống nhà ông Wòng vào dịp hè để hai cô cậu có dịp tìm hiểu nhau, và nếu được thì sẽ tiến tới hôn nhân.

Ông bà Wòng không ghét Tà Linh, trái lại là khác, Tà Linh đối với họ là cộng sự viên đắc lực, dễ mến. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, Tà Linh không thể bước vào gia đình họ được. Phong tục của người Tàu không thích gả con cho người ngoại chủng, nhất là người ngoại chủng đó lại là dân miền núi kém mở mang. Á Lìn tuy linh cảm việc làm của mẹ cha, nhưng niềm vui gặp lại người bạn cũ khiến cô quên hết. Với cô, Lý Hoàng ngoài tình bạn còn là một người anh. Hoàng đã bảo bọc, chở che cho cô trong suốt quảng đời thơ ấu trên đường từ trường về nhà, đã dạy cô bao nhiêu trò chơi con trẻ, cô yêu mến anh bằng tấm lòng của một người em gái, ngoài ra không còn gì khác.Vả lại, Tà Linh đã có người yêu, điều ấy xẩy ra trước khi quen cô chứ chàng không hề lừa dối cô, cô không thể trách chàng nhưng vẫn cảm thấy hờn giận, và cô đã càng tỏ ra thân thiết với Lý Hoàng hơn để …trả thù. Nỗi buồn không giấu được của Tà Linh làm cô hả dạ nhưng cũng thấy tồi tội làm sao. Ông bà Wòng rất hài lòng về Lý Hoàng. Chàng có những ưu điểm không ai có thể phủ nhận được, đẹp trai, nho nhã, dáng vẻ từ tốn, ăn nói bặt thiệp, nhã nhặn. Chàng đang học năm thứ tư y khoa và xuống ở nhà bạn thân của cha chàng để học hỏi thêm về môn châm cứu. Chàng không hề biết gì về dự tính của hai người lớn. Chàng có cảm tình với Tà Linh, chàng trai miền núi hiền lành, chịu khó và lúc nào cũng có vẻ buồn buồn. Nhưng Tà Linh luôn bận rộn trong việc học và việc buôn bán thuốc phụ giúp ông Wòng nên Hoàng ít có dịp gần gũi Tài Linh. 

Á Lìn ngoài những giờ học kế toán vẫn hướng dẫn Lý Hoàng đi thăm thú khắp vùng theo lời cha mẹ. Tiếng đồn đã vang xa rằng chàng là con rể tương lai của ông Wòng. Lý Hoàng nhận thấy Á Lìn vẫn còn giữ ít nhiều cá tính của ngày xưa, muốn gì là phải làm bằng được. Cô đã trở thành một thiếu nữ thông minh và duyên dáng, hơi bướng bỉnh. Mỗi lần soi gương thấy cái sẹo nhỏ nằm trên sống mũi là chàng mỉm cười nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu với cô nhỏ Á Lìn ốm yếu và hết sức nhõng nhẽo. Khi có mặt chàng Tài Linh và Á Lìn ít khi trò truyện với nhau nhưng đôi khi chàng bắt gặp ánh mắt trìu mến của cô trao gửi cho Tà Linh. 

Tà Linh đã xa quê gần ba năm. Hôm nay chàng nhận được thơ của Nuông Strây, một tối hậu thơ thì đúng hơn. Nàng cho biết mẹ nàng, một người đàn bà goá bụa, đã không còn khỏe mạnh để lo việc cầy bừa nương rẫy như xưa. Bà không muốn tất cả gánh nặng đổ lên đầu đứa con gái độc nhất nên muốn nàng có chồng để nương tựa, để cùng chia xẻ mọi việc trong gia đình. Với linh tính của một phụ nữ bà cảm thấy Tà Linh dường như không còn tha thiết đến con gái bà nữa. Trong khi đó không thiếu gì người ngấp nghé nàng, và trong số đó có một chàng trai khá giả rất nhiệt tình với gia đình bà. Đang lúc buồn giận Á Lìn dường như thay lòng đổi dạ, bức thư được viết một cách không khéo léo của cô gái Thượng khiến Tà Linh bừng bừng lửa giận, chàng viết ngay một lá thư tuyệt tình vớI Nuông Strây, khuyên nàng hãy đi lấy chồng vì chàng đang còn dở dang sự nghiệp không thể nào lấy vợ được. Bức thư hồi âm được gửi đi ngay ngày hôm đó. Hình như đây là điều mà Tà Linh vẫn muốn mà chưa có can đảm nói ra. Từ khi có tri thức hơn chàng hiểu rằng nếu trở về xứ với một số vốn nhỏ nhoi trong tay chàng sẽ không làm gì được cho gia đình, một gia đình đông nhân khẩu mà người lao động chính là cha chàng, một người đầu tắt mặt tối gần hết cuộc đời vẫn không ngoi lên được. Bao nhiêu tình thương và kỳ vọng ông đã đặt hết lên chàng và chàng muốn ông phải được an nhàn hơn trong giai đoạn cuối của cuộc đời.

"Ân tình trong lúc đôi mươi, bao giờ cũng dễ mau phai …", mối tình của chàng với Nuông Strây chớm lên khi chàng còn quá trẻ và tiếp theo đó là sự xa cách kéo dài không đủ mạnh để chàng lấy một người vợ không có chút tương lai. Á Lìn đúng là người có thể giúp chàng trên đường sự nghiệp, hơn nữa cô rất dễ thương. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt chan chứa tình cảm của cô là tâm hồn của Tà Linh lại chùng xuống. “ Ta phải dành lại nàng bằng mọi cách “, Tà Linh nghiến răng nghĩ thầm. Nuông Strây là một cô gái ít học và hiền dịu, nhưng nàng cũng có sự kiêu hãnh của nàng, của một cô gái đẹp. Nàng đã khóc rất nhiều nhưng rồi cũng lấy chồng theo sự thúc đẩy của người mẹ. Ông Tà Quan rất bất nhẫn cho nàng nhưng không trách cứ con trai. Dù sao thì ông vẫn mong con trai mình có một tương lai sáng sủa hơn. Với thời gian ông bà Wòng cũng biết về sự tan vỡ tình yêu của Tà Linh với Nuông Strây và càng thêm lo lắng. 

Những ngày hè của Lý Hoàng đã chấm dứt. Chàng từ giã mọi người để trở về nhà với lời hứa thỉnh thoảng sẽ quay trở lại. Ông bà Wòng tiễn chân chàng một cách bịn rịn. Á Lìn hơi buồn, Lý Hoàng thật là dễ mến, nếu hình bóng Tà Linh không ngự trị trong tim cô thì chắc cô chẳng mong gì hơn là có được một người chồng như chàng. Chỉ có Tà Linh là thở phào nhẹ nhõm và chàng đã hoạch định trong đầu những cách thức để chiếm lại tâm hồn của cô gái Trung Hoa. Nhưng chàng đã quá lo xa. Lý Hoàng không yêu Á Lìn, chàng đã thầm để ý một cô bạn đồng môn, một cô gái Việt Nam mà gia đình chàng chưa hay biết. Và từ khi biết ý định của cha mẹ chàng đã thẳng thắn chối từ cuộc hôn nhân đã được sắp xếp đó. Chàng thỉnh thoảng gửi thiệp thăm hỏi gia đình ông bà Wòng nhưng không trở lại nữa. Bà Wòng cảm thấy chua chát vì những lời ong tiếng ve của hàng xóm. Ông Woòng ngẩn ngơ tiếc chàng rể hụt. 

Dù hai vợ chồng ông thầy thuốc chú tâm canh giữ con gái nhưng không thể nào bám sát Á Lìn hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng được. Ông còn có bệnh nhân của ông, đôi khi họ còn mời ông đến tận nhà để chữa bệnh. Bà thì phải lo nấu ăn và đi chùa hay đi thăm viếng bạn hữu. Lợi dụng những khoảnh khắc hiếm hoi ấy Tà Linh luôn tìm cách gặp gỡ cô gái. Á Lìn từ khi biết cô gái Thượng đã lấy chồng cô đã …tử tế với Tà Linh hơn và không còn che giấu lòng mình. Cô đã để yên cho Tà Linh nắm lấy tay cô và đã bạo dạn nhìn vào đôi mắt đắm đuối của chàng khi hai người có cơ hội ở bên nhau. Tình yêu với bao trở ngại lại khiến họ thêm say mê. Một mặt Tà Linh ra sức lấy lòng ông bà Wòng Tài, một mặt chàng luôn chứng tỏ tài năng chữa bệnh mà chàng đã học hỏi được của ông thầy thuốc. Rất nhiều bệnh nhân của ông Wòng đã tín nhiệm chàng mỗi khi chàng thay thế ông khi ông đau ốm hay qúa bận rộn. Thành kiến của ông về người ngoại chủng có phần lung lay. Đôi khi ông nói bâng quơ với bà : 

- Phải chi chúng ta có được một đứa con trai như Tà Linh thì hay biết mấy ! 

Bà Wòng thở dài không đáp. Bà quí chàng trai chịu thương chịu khó ấy, nhưng vẫn sợ đứa con gái duy nhất của mình sẽ ra đi với chồng để hòa nhập vào một cuộc sống xa lạ, bỏ hai người ở lại với tuổi già quạnh hiu. Á Lìn vẫn cương quyết từ chối những lời cầu hôn của những thanh niên mà bà cảm thấy rất môn đăng hộ đối. Bà có thể khó khăn với con gái nhưng bà không muốn ép uổng cô. Á Lìn chưa tâm sự với bà về tình cảm của cô và bà cũng không muốn hỏi. Bà sợ phải đối mặt với sự thật trong khi chưa biết phải giải quyết ra sao. Thôi thì cứ làm ngơ chờ ngày Tà Linh ra đi. 

Cái ngày bà chờ đợi rồi cũng đến. Tà Linh đã học xong và không còn lý do gì để ở lại. Hai ngày nữa chàng sẽ lên đường. Á Lìn lòng đau như cắt. Cô không biết phải làm thế nào để có thể giữ chàng lại. Tà Linh cũng không có can đảm để mở lời cầu hôn Á Lìn với ông bà Wòng. Chàng suy nghĩ nát óc mà vẫn chưa biết phải làm sao. ” Anh sẽ trở lại “. Chàng nói với Á Lìn dù chính chàng cũng không biết chắc được. Cô chỉ biết quay đi để giấu những giọt nước mắt. 

Bữa cơm chia tay diễn ra trong bầu không khí buồn bã. Ông Wòng luôn miệng dặn dò Tà Linh về tư cách một thầy thuốc. Ông cũng nhắc nhở chàng thỉnh thoảng ghé thăm ông. Hai cô cậu cúi đầu, mặt mũi nhợt nhạt. Bà Wòng cũng đưa đẩy những lời ngọt ngào với chàng. Đang trò chuyện bỗng dưng ông Wòng ngã vật ra sau làm đổ cái ghế rồi mê man bất tỉnh. Cả nhà hốt hoảng xúm lại. Tà Linh vội vàng bắt mạch cho ông. Chàng biến sắc nhưng cố giữ bình tĩnh bảo Á Lìn gọi taxi để đưa ông vào nhà thương. 

Tại bịnh viện, các bác sĩ khám nghiệm cho biết ông Wòng bị tai biến đứt mạch não, tình trạng không có gì sáng sủa lắm. Bà Wòng bấn loạn mà Á Lìn cũng chẳng bình tỉnh chi hơn. Vẫn biết tính đàn bà hay nhanh nước mắt nhưng nhìn hai người phụ nữ thân quen trong cơn bối rối, lệ nhỏ đoanh tròng Tà Linh thấy bồi hồi thương cảm. Chàng vẫn mong có một cơ hội nào đến để chàng có thể ở lại bên Á Lìn nhưng không ngờ cơ hội ấy lại là sự bất hạnh của ông Wòng.
 Người ta thường bảo “khi hoạn nạn mới biết lòng người ngay thảo“, đến bây giờ bà Wòng mới thấy tài quán xuyến và tấm lòng của chàng trai miền núi. Một mặt Tà Linh vẫn mở cửa tiệm thuốc Phước Xuân Đường, mặt khác chàng thường xuyên ra vô bịnh viện để thăm nom thầy Wòng, chàng đem sự hiểu biết y học đông phương của mình phối hợp cùng y học tây phương của các bác sĩ trong bịnh viện để hết lòng chạy chữa cho cha của người thương. Nhưng ông Wòng vẫn mê man và được đưa vào phòng hôn mê. Một tuần, hai tuần rồi ba tuần lễ trôi qua, sang tuần thứ tư vào một buổi sáng khi ánh dương chưa ló dạng, chuông điện thoại Phước Xuân Đường reo vang, bên kia đầu giây một giọng hối hả mời cả nhà Á Lìn vào bịnh viện gấp. Linh tính một chuyện bất thường, Tà Linh khó nhọc tìm được một chiếc taxi chạy sớm để đưa mẹ con bà Wòng đến nơi, bác sĩ trực chờ họ ở cửa phòng hồi sinh với gương mặt khẩn trương, ông cho biết người bịnh đã choàng tỉnh sau gần một tháng, nhưng khám nghiệm kỹ ông thấy đây là triệu chứng của ngọn đèn sắp tắt, bùng lên lần cuối cùng trước khi vĩnh viễn lịm vào hư vô. 

Cả ba bước đến bên giường ông Wòng Tài. Ông nằm đó, thiêm thiếp như mê ngủ, nghe tiếng động ông choàng mở mắt, nhìn những người thân ông mệt mỏi khẻ mĩm cười. Bà Wòng ứa nước mắt, chồng bà đó, người chồng bà ưng vì vâng lịnh song đường, người đã cùng bà chia ngọt xẻ bùi mấy chục năm qua, tình yêu dù không nặng, nhưng nghĩa tào khương theo năm tháng chất cao đầy. Trong phút giây vĩnh biệt trái tim bà quặn thắt niềm đau với hình ảnh thương yêu của chồng bà đang hấp hối. Trời ơi, khi bà biết yêu chồng cũng là lúc kẻ mất người còn. Bà nắm tay ông, cúi xuồng áp vào ngực mình để ông nghe nhịp tim bà đang náo loạn, nước mắt bà tuôn bao nhiêu giờ nầy cũng không cứu được ông. Ôi, một ông thầy thuốc, cả cuộc đời chẩn mạch, bốc thuốc cho người vậy mà đến phút cuối đời cũng không tránh khỏi định mệnh để tìm cho chính mình một thang thuốc hồi sinh.

Á Lìn bước qua bên kia giường để xiết chặt tay cha. Nàng cũng khóc, có đứa con nào không khóc khi biết trước phút vĩnh biệt của một người cha. Nàng thương cha biết bao nhiêu, nhưng tình thương đó không đủ để vật lộn cùng thần chết giữ ông lại chốn dương trần. Tà Linh đứng cuối giường, chàng không dám động vào phút giây thiêng liêng của những con người khốn khổ đó, trong tận đáy tâm hồn chàng, chàng cũng đang khóc, những giọt nước mắt bị kềm giữ không được trào tuôn. Nhớ đến những ngày tháng bên cạnh Wòong Tài vói những thương yêu, ân cần chỉ dạy mà chàng đâm ra bực tức với đôi tay và khối óc của mình, đôi tay và khối óc vẫn thường được Wòng Tài khen là thông minh, tháo vát giờ đây thành ra vô tích sự khi cần để cứu mạng ân sư. 

Ông Wòng Tài bỗng rời bàn tay vợ, yếu ớt đưa về phía Tà Linh như muốn gọi chàng. Bà Wòng hiểu ý, nhích người cho Tà Linh bước đến cạnh chồng. Wòng Tài ngó Tà Linh rồi day sang nhìn Á Lìn, môi ông mấp máy “Hai con hảy thương yêu nhau “, ông cầm bàn tay họ đặt vào nhau rồi nhìn vợ ra dấu cho bà để tay vào chung với họ. Bốn bàn tay xiết lấy nhau, bốn nổi niềm, một tình thương vô tận, đó là chứng từ ký kết không lời của mối duyên Kinh – Thượng và cũng từ giây phút đó, Tà Linh hiểu rằng số kiếp đã buộc chặt chàng vói Á Lìn và chuyến trở về bản sóc chỉ còn là một chuyện tương lai. 

Đêm hôm đó ông Wòng Tài mất, an tỉnh như cuộc đời phước thiện của ông. Tang lễ xong xuôi Tà Linh viết thư về nhà báo tin buồn của nhà họ Wòng và xin phép gia đình để chàng ở lại thành phố thêm một thời gian nữa hầu giúp mẹ con bà Wòng cho trọn nghĩa trọn tình. Chàng cũng nói về Á Lìn và những dự tính mai sau theo lời trăn trối của người thầy cũ. Ông Tà Quan đọc thư rồi trăn trở suốt cả tuần trăng Vậy là con trai ông, giấc mộng lớn trong đời ông chỉ cho ông thành tựu nữa phần ước vọng, nó chỉ thành ông thầy thuốc như ý ông mong và nó sẽ không trở về thôn bản để giúp đỡ người của bản làng. Thành tài rồi nó bị vướng lưới yêu đương và nó mê miền đô hội nên tìm cách ỏ lại chốn thị thành. Nhưng nói làm sao đây cho trọn tình trọn lý, không lẽ bắt nó trở về khi gia đình người ân đang cần đến nó. Cũng may nhà còn thằng em nó để gánh vác chuyện trong ngoài. Từ ngày Nuông Strây đi lấy chồng, ông cũng mong con ông tìm được nơi vừa ý, chuyện gia thất với Á Lìn là điều vượt quá kỳ vọng của ông, vậy mà giấc mơ cao vời đó lại sắp thành tựu nay mai. Ông nửa tiếc con trai ông không trở về để làm nở mặt nở mày giòng họ cùng thôn bản, nửa mừng thấy con phút chốc từ tay trắng sắp sửa một bước làm chủ nhân ông. Cô dâu ngoại chủng người Hoa kể cũng khá xinh xắn, dễ thương. Thôi, âu cũng là duyên số của chúng, giờ thì ông phải lo cùng vợ may sắm thêm vài ba trang phục cho ra vẻ, gầy thêm bầy gà, tìm bẩy thêm cho được nhiều thịt rừng để bán dành dụm tiền cho cuộc hôn nhân sắp tới của cậu trưởng nam.

Ba năm chịu tang của Á Lìn rồi cũng trôi qua. Nhớ lời trăn trối của chồng và hơn nữa thấy sự hiện diện của Tà Linh trong gia đình mình là điều không thể thiếu, bà Wòng nhân ngày giổ mãn khó của chồng cho người lên núi mời cha mẹ Tà Linh xuống để bàn chuyện hôn nhân cho đôi trẻ.
* * *

Cuộc đời thật đã ưu đãi Tà Linh rất nhiều. Từ một anh chàng người Thượng nghèo kiết xác, chàng đã lấy được một cô vợ khá giả, được cả tình lẫn tiền. Nhưng dù sao thì chàng cũng phải đổ ra biết bao công sức để có được những thứ ấy, và cái giá phải trả là phải sống xa bản làng và gia đình mãi mãi. Thời gian đầu chàng còn hay cùng vợ về thăm viếng gia đình. Sau, những đứa con lần lượt chào đời đã đem đến cho cả hai vợ chồng bao nỗi bận rộn và lo toan nên đường về cứ …xa lắm người ơi ! Thường thì người thân của chàng hay tìm đến để gặp chàng hơn. Điều an ủi cho Tà Linh là chàng đã giúp đỡ cho gia đình sung túc lên và cha mẹ chàng đã được sống nhiều năm tháng an nhàn trước khi lìa đời. 

Bà Wòng mất năm năm sau ngày tổ chức đám cưới cho con gái, chỉ kịp thấy mặt hai đứa con đầu của Tà Linh. Họ lấy nhau vì tình nhưng hình như hạnh phúc trọn vẹn chỉ kéo dài được mấy năm đầu, càng ngày sự khác biệt giữa hai nền văn hóa làm sự đụng chạm thường xuyên xẩy ra mà kẻ chịu lép vế luôn luôn là Tà Linh. Tình yêu đôi khi cũng đi ngang qua cái bao tử. Á Lìn không có tài nấu ăn như mẹ nàng mà cũng không có thiện chí học hỏi cách nấu nướng của xứ Thượng nên Tà Linh nhiều khi phải thèm nhạt những món ăn của quê chàng. Bốn đứa con lần lượt ra đời đã đem lại niềm vui cho gia đình nhưng cũng lấy đi thời gian rảnh rỗi và và biến Á Lìn thành một người đàn bà xồ xề. Nàng là một người vợ tốt và là một người mẹ sống hết lòng vì con nên không còn tâm trí đâu để săn sóc đến vể bề ngoài của mình, chỉ tận tụy vì gia đình và tin rằng chàng sẽ biết đến công lao của nàng. Nhưng lòng dạ đàn ông không đơn giản như nàng nghĩ. Tà Linh cũng già đi, xấu đi theo năm tháng nhưng vẫn muốn người đàn bà của chàng luôn xinh đẹp, quấn quít và âu yếm chàng̣ như những ngày mới cưới. Vì vậy theo thời gian chàng cảm thấy chán một Á Lìn ngày càng biến dạng và xa cách chàng vì những đứa con. Từ ngày Nông Strây lấy chồng chàng chưa bao giờ gặp lại và cũng không dám hỏi về nàng. Nhưng hình ảnh của nàng thỉnh thoảng vẫn hiện về trong những giấc mơ của chàng, dịu hiền và xinh đẹp như một đóa lan rừng, một hình ảnh không bao giờ già cỗi. Chàng bắt đầu cảm thấy ân hận vì đã đối xử tệ bạc với nàng. Và rồi ước muốn về thăm quê cứ thôi thúc trong tâm tưởng của chàng. Đọc được niềm u uẩn trong mắt Tà Linh, bắt gặp chàng hay thừ người ra khi nhìn ngắm những hình ảnh về quê chàng mà chàng vẫn treo trong phòng đọc sách, Á Lìn hiểu được lòng chồng và đề nghị chàng làm một chuyến du hành thăm quê cũ một mình. Nàng vẫn là một người đàn bà thông minh và tháo vát, vẫn rất thương chồng, một người chồng tận tâm tận lực với nàng và các con bao nhiêu năm nay.Hơn nữa, Tà Phong, con trai trưởng của cả hai cũng đã trưởng thành và đang nối nghiệp cha ông một cách thành thạo dù còn đang bận học Đại học, Tà Linh có thể xa nhà khi Tà Phong đang độ nghỉ hè.
Được lời như cởi tấm lòng, Tà Linh nửa lưu luyến gia đình, nửa hân hoan niềm vui ngày về cố thổ, chàng thương mến nhìn vợ thu xếp hành trang cho mình và tự nhủ sẽ sớm trở lại cho vợ chồng xum họp bên nhau.

 Từ ngày chàng trai miền Thượng du xuống núi học nghề đến nay tính ra có lẽ đã trên hai mươi lăm năm, Tà Linh ngày ra đi vạm vỡ tráng niên khố quấn thân, áo rừng vai phủ, Tà Linh ngày về phốp pháp quần tây, áo sơ mi của chốn thị thành. Dù đây không phải là lần đầu tiên trở lại núi rừng xưa, nhưng không hiểu sao Tà Linh bỗng nghe hồn xao xuyến, bỏ hết những bận lo vì công việc, những thăng trầm trong cuộc sống miền Kinh, cả hình ảnh vợ con quen thuộc, chàng muốn chuyến hồi hương lần nầy thực sự là một chuyến nghỉ ngơi. Và trong tâm tư thầm kín, chàng đang cố tình đi ngược thời gian tìm lại những hình ảnh cũ một thời, những hình ảnh đó có bao lối mòn trên sóc bản, những ngày hội mùa với tiếng trống, tiếng khèn bên ánh lửa chập chùng, có từng đôi trai gái nhảy múa dưới ánh trăng, có những đêm hò hẹn giữa hoa ngàn, gió núi, và có. . . Nuông Strây xinh đẹp đợi chờ. 

Nuông Strây, Nuông Strây, …không biết hiện giờ nàng ra sao, tại sao ta vô tình với nàng như vậy từ bấy lâu nay! Tà Linh thầm trách mình hờ hững cùng bạn cũ, dù không duyên nhưng cũng một thời luyến ái, thế sao chàng có thể “bỏ quên“ người xưa một cách lạnh lùng như vậy, có thể vì đam mê vật chất nơi phồn hoa đô hội, cũng có thể vì vui duyên mới bên vợ đẹp con ngoan? Suy nghĩ lan man, chiếc cúp đời mới của chàng dừng lại ở ngả ba đường vào Sóc bản, đi hướng nào rồi cũng có thể về nhà cha mẹ chàng, nhưng quẹo tay trái sẽ vào sóc hạ, ở giũa sóc có nhà của Nuông Strây. Từ khi Nuông Strây lấy chồng, những năm đầu hình như chàng chỉ có đôi ba lần đi về sóc hạ, ngang qua nhà cô bạn cũ chàng đi một mạch chẳng nhìn vào và từ đấy về sau chàng chỉ quẹo về hướng phải để đi thẳng về nhà mình. Nhưng hôm nay chàng muốn làm một cái gì khác lạ hơn, con đường qua sóc hạ có giòng suối nhỏ phía sau nhà Nuông Strây vài trăm mét, nơi đó ngày xưa chàng vẫn cùng nàng hò hẹn bên nhau, tại con suối này có lần chàng đã ngâm lên câu hát hứa hẹn với Nuông Strây :

- Nếu anh không lấy em vào mùa xuân thì anh sẽ lấy em vào mùa đông Nếu anh không lấy em vào thời trẻ thì anh sẽ lấy em lúc góa bụa về già.

Chàng muốn tìm thăm con suối đó như để tìm lại kỷ niệm ngày nào. Nghĩ là làm, quẹo về hướng trái của ngả ba con lộ chính, chàng cho xe chạy vòng phía sau nhà Nuông Strây để tìm con suối cũ, nhưng thật kỳ lạ, suối nước trong năm nào chỉ còn một giòng nước nhỏ chậm chạp tuôn, hai bên bờ suối năm xưa nhà sàn ai dựng lên cheo leo bên những tàn cây dây leo phủ bóng. Vài người trong những căn nhà sàn đó nghe tiếng động cơ của chiếc Honda gắn máy đã ló đầu nhìn ra cửa, hình như có vài khuôn mặt quen quen nhưng chàng không nhớ rõ họ tên. Họ nhìn chàng, chàng nhìn họ, lạ lùng, xa cách. Một ông lảo da mặt nhăn nheo từ trên sàn cao hỏi vọng xuống : 

-Ông tìm ai? Tà Linh lúng túng : 

-Thưa bác, tôi muốn tìm con suối cũ, hồi xưa ở đây có một giòng suối phải không bác? 

- Phải rồi, nhưng con suối đã cạn, giờ chỉ còn lại giòng nước nhỏ như ông thấy mà thôi, nhưng cách đây một quảng, nước nguồn tìm đường tuôn xuống đã tạo nên một giòng suối mới. Nếu ông cần đến đó cứ men theo phía sau dảy nhà sàn nầy, độ nửa dặm là tới.
Và quay vào trong nhà, ông lão gọi : 

-Nuông Sly, cháu muốn nhặt thêm củi thì đưa ông khách nầy đến suối rồi về nhà cha mẹ con sau cũng được, nhớ đem hủ rượu cần của ông về cho cha cháu. 

Tà Linh cám ơn ông lão và đứng chờ người tên Nuông Sly. Khoảng gần mười phút sau, dáng một cô gái hiện ra trên nấc thang đầu của căn nhà sàn. Tà Linh bỗng chớp mắt, Nuông Strây kia rồi, nàng vẫn trẻ và thon thả mảnh mai như xưa, thời gian không làm thay đổi dáng dấp người sơn nữ. Nhưng sao nàng lại ở đây? Nhà chồng nàng nơi nầy ư? Cô gái đã bước đến gần chàng, chiếc gùi đựng củi cài sau lưng, tay xách một hủ rượu cần, cô khẽ chào chàng theo cung cách cổ truyền người miền núi rồi nhỏ nhẹ nói : 

-Ông theo tôi đi lối nầy.

Tà Linh ngẩn ngơ nhìn cô gái, miệng lẩm bẩm :

-Nuông Strây, em đó phải không? 

Cô gái quay lại, mỉm miệng cười duyên dáng:

-Không, thưa ông, Nuông Strây là mẹ tôi, tôi là Nuông Sly.

Tà Linh sực tỉnh, chàng quả thật không mơ, nhưng tinh thần rõ ràng không tỉnh táo lắm. Theo cô gái như một cái máy, chàng nhìn con suối mới đang ào ạt chảy mà chạnh lòng, người và cảnh sao tương lân đến thế, mấy mươi năm chàng thay đời đổi nếp cũng là mấy mươi năm quê cũ chuyển màu. Những con đường nhựa chính được canh tân, những cột điện chéo giăng chằng chịt, đời sống thị thành đang dần dần thâm nhập chốn sơn khê, giòng suối cũ không còn và con suối mới như ca chào đời sống mới. Dến bên giòng suối trẻ, chàng dừng xe lại, nhìn cô gái thoăn thoắt lượm những cành củi khô bỏ sau gùi nải trên lưng Tà Linh chợt muốn tìm thăm Nuông Strây một chuyến. Khi Nuông Sly đã nhặt đầy gùi củi, chàng bảo cô gái lên sau xe ngồi để chàng chở về nhà. Nuông Sly nửa thẹn thùng, nửa e ngại chối từ, nhưng Tà Linh cho biết chàng là bạn cũ của mẹ nàng, muốn gặp để chào thăm, chừng đó cô gái mới chịu ngồi lên xe để chàng chở về nhà. 

Vợ chồng Nuông Strây vẫn ở căn nhà cũ của mẹ nàng thuở trước. Họ nhìn lại nhau với đôi chút ngở ngàng. Nuông Strây của hơn hai mươi lăm năm trước giờ cũng lộc xộc chẳng khác gì Á Lìn, thời gian là tên khủng bố tàn ác nhất luôn tìm cách tàn phá dung nhan người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ đơn thuần chỉ biết sống lo chăm sóc cho gia đình bên cạnh chồng con. Nuông Strây cũng ngạc nhiên trước một Tà Linh hoàn toàn biến đổi, đâu rồi chàng trai dũng mãnh của những năm xưa, giờ trước mặt nàng chỉ có một gã đàn ông thịt da phụng phệu, mắt đeo cặp kiếng cận, mái tóc thưa, chiếc bụng phệ, vết tích của những tháng năm sống đời nhàn hạ chốn thị thành. Chồng Nuông Strây cũng hiền lành, chất phác, ông mời người bạn cũ của vợ và cũng là bạn cũ của ông ở lại dùng buổi cơm trưa, nhưng Tà Linh hẹn hôm khác sẽ làm vui lòng gia chủ, giờ chàng còn phải về gặp lại gia đình cậu em trai và các đứa cháu của chàng.

Những tháng hè qua nhanh, càng thấy nhanh hơn nữa khi người ta trải qua thời gian đó bằng những đắm say ngọt ngào. Vâng, anh chàng Tà Linh trung niên, bụng phệ, cơ hồ quên đi vợ con đang ngóng đợi, cơ hồ quên đi mái tóc mình đang ngả giọt khói sương để chỉ thấy hình ảnh người tình cũ đang ẩn hiện qua dáng dấp cô con gái của nàng. Những buổi cơm thân mật nhà nàng, những gói quà miền Kinh của chàng, những lần sóng đôi ra suối lượm củi cùng Nuông Sly, Tà Linh như sống lại một thời dĩ vãng, một dĩ vãng đuợc thay tên đổi họ từ mẹ qua con, từ giòng suối xưa sang giòng suối mới, những giòng suối làm mê đắm hồn chàng để chàng quên cả con sông trước tiệm Phú Xuân Đường đang chờ chàng trở lại. Nhưng từ miền đồng bằng, Á Lìn nhờ người mang tin nhắn chàng trở lại để quán xuyến tiệm thuốc vì Tà Phong phải trở lại trường.
Ngày đến từ giã gia đình Nuông Strây, Tà Linh thấy ánh mắt Nuông Sly long lanh buồn, Nuông Strây thì vẫn thế, nàng đã một lần chia tay với gã đàn ông nầy cùng bao lời hứa hẹn, những lời hứa không bao giờ thực hiện, chia tay lần nầy cũng như lần giã từ một phiên chợ, một chuyến đi buôn, thế thôi. Làm mẹ, Nuông Strây linh cảm tâm tư con gái nàng đang có điều gì không ổn, nhưng nàng không tin điều không ổn đó bắt nguồn từ Tà Linh, vì đó là người đàn ông đã có gia đình và hơn thế nữa cả sóc đều biết trong tương lai vào mùa thu hoạch tới Nuông Sly sẽ nhảy múa với Nòng Thạch, một chàng trai trẻ bên kia sóc thượng. Không ai biết Nuông Sly đang nghĩ gì, nhưng tinh ý một chút người ta sẽ thấy cô chải chuốt hơn trong những ngày Tà Linh đến viếng. Thật tình, cô không lưu luyến nhiều người bạn cũ của mẹ cô, nhưng những món quà thành thị làm cô xao xuyến. Cô ao ước được lai kinh một chuyến, được nhìn tận mặt, thấy tận nơi cuộc sống nơi đô hội đó, chỉ Tà Linh mới có thể giúp cô thực hiện giấc mơ phố thị ấy mà thôi. Nổi ước ao dâng lên bằng sóng mắt khiến Tà Linh cảm tưởng như Nuông Sly đang hứa hẹn thương yêu với chàng và chàng đã trở về gia đình mang theo sóng mắt long lanh của cô thiếu nữ miền sơn cước. 

Sau ba tháng hè, Phú Xuân Đường lại có Tà Linh ngồi sau quày thuốc. Ban sớm một lảo già vào tiệm nhờ chàng bổ một thang thuốc cường dương, hấp háy đôi mắt đục, lão già hóm hỉnh cười bảo nhỏ với chàng “Tôi muốn làm đẹp lòng bà vợ trẻ của tôi, xin ông giúp vậy“. Tà Linh cũng cười, thuốc thang cho lắm thì cũng sớm tàn đời thôi, những ông già thích chơi trò trống bỏi. Chàng chợt sực nhớ đến Nuông Sly, sao chuyện người chàng thấy rõ, còn chuyện tâm hồn chàng, chàng lại u tối đến thế kia. Tính tuổi tác, Nuông Sly bằng như tuổi cô con gái thứ của chàng, luân lý nào cho phép chàng mộng mơ diều sằng bậy như vậy! Chàng nhìn ra trước tiệm, hình ảnh con sông gần 30 năm quen thuộc trước mắt chàng, quen thuộc như bóng dáng Á Lìn hiền thục, như mối tình chồng vợ bấy lâu nay. Chàng đã bỏ suối mà đi, ngày nay con suối xưa không còn nữa, giòng suối mới là của núi rừng, chàng giờ là người của giòng sông cho dù đó là một con sông già cỗi. Những gả đàn ông như chàng, một thời son trẻ bôn ba, thay tình như rừng thay lá, bỏ một Nuông Strây để có một Á Lìn cùng địa vị một chủ nhân ông, nay lại mộng mơ đóa lan rừng tươi thắm, định quên đi người vợ hiền chưa một lần lầm lỗi, lương tâm nào cho phép, đạo đức nào dung tha, cũng may người khách già bổ thuốc cường dương đã làm chàng sực tỉnh, tỉnh giấc đam mê của ảo giác thanh xuân để trở về cùng hiện tại thực tế hơn. 

Á Lìn từ nhà trong bước đến cạnh chồng, thấy chồng cười tủm tỉm một mình, nàng ngạc nhiên hỏi :

- Anh đang nghĩ gì mà cười vậy?

Nhìn vợ, chàng thấy người đàn bà xồ xề hàng nơi nàng ngày bỗng đẹp hơn ra, Tà Linh trả lời :

- Anh đang ngắm dòng sông trước nhà em à. 

Tà Linh nắm tay vợ, bàn tay sần sùi vì công việc nội trợ hàng ngày, chàng xoa lên những vết chai sần đó mà nhớ sự êm ái của lần nắm tay lần đầu hôm nào chàng trong cơn sốt li bì, và như trong thời tuổi trẻ “ông” Tà Linh nhẹ nhàng bên tai “bà" Á Lìn : 

-Em không thấy là dòng sông xưa vẫn trẻ như tình đôi ta hay sao? 

Á Lìn ngơ ngác nhìn chồng, chẳng hiểu chàng muốn nói gì, nhưng nàng cũng mỉm cười. Đàng xa cuối bến, nắng chiều đang dịu dàng nhạt ánh. Hoàng hôn cũng có vẻ đẹp riêng của nó, ai bảo cuộc đời chỉ rực rỡ ở buổi bình minh! 

Huỳnh Ngọc Nga - Thanh Ngọc 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.